Sách Khai Minh - Phụng Sự Nhân Sinh

Triết Học Khai Minh Triệt Để - Spinoza Và Con Đường Duy Lý

03/05/2022

Triết Học Khai Minh Triệt Để - Spinoza Và Con Đường Duy Lý

Chuyên đề TRIẾT HỌC CHO BẠN TRẺ - SỐ #3

Chủ đề: TRIẾT HỌC KHAI MINH TRIỆT ĐỂ - SPINOZA VÀ CON ĐƯỜNG DUY LÝ

- Diễn giả: TS. Dương Ngọc Dũng
- Dẫn chương trình: Thế Anh
- Thời gian: 9h00 - 11h30 sáng Thứ Bảy, ngày 7/5/2022
- Địa điểm : Lầu 1 Salon Văn hoá Cà Phê Thứ Bảy, 79A Phan Kế Bính, P. Đa Kao, Q1

Vào năm 1656 một trong những triết gia vĩ đại nhất trong lịch sử tư tưởng Phương Tây đã bị trục xuất ra khỏi cộng đồng của chính ông, một cộng đồng Do Thái định cư tại Amsterdam, vì những tư tưởng mang tính bất kính và rối đạo, trái ngược với truyền thống Do Thái Giáo.

Triết gia đó chính là Baruch Spinoza (1632-1677), một con người duy lý triệt để, hơn cả Descartes, hơn cả Leibniz, hơn cả Kant sau này.

Ngày nay Spinoza thường được đánh giá, một cách sai lầm, rằng tư tưởng của ông về Thiên Chúa, như được trình bày trong phần đầu của kiệt tác ETHICA, là tư tưởng của một kẻ vô thần (atheist), vì ông đã đồng hóa Thiên Chúa và Thiên Nhiên (Deus sive natura). Tác phẩm tuy không dày dặn về số trang nhưng đề cập đến hầu hết những chủ đề quan trọng trong triết học Tây Phương: siêu hình học, tri thức luận, thần học, đạo đức học, tâm lý học.

Điều quan trọng nhất mà chúng ta học được từ việc tham cứu tư tưởng Spinoza đó chính là một nghệ thuật sống (an art of living) và đạt đến hạnh phúc đích thực viên mãn thông qua sự phát triển trí tuệ để thấu hiểu bản thân và các qui luật tất yếu, vĩnh cửu của vũ trụ (mà Spinoza gọi là “Thiên Chúa”).

Trong một thế giới mà con người, ngay cả những nguyên thủ quốc gia của các cường quốc vĩ đại nhất, vẫn còn chịu sự thúc đẩy và thống ngự của cảm xúc trong tất cả mọi phương diện (cá nhân, gia đình, xã hội, chính trị, quan hệ quốc tế), hay các triết gia hàn lâm (đặc biệt là các triết gia Đức) vẫn tự phong thánh cho chính mình thông qua những tư tưởng tối đen và các thuật ngữ bùa chú hết sức khó hiểu, triết học Spinoza quả thật là một liều thuốc đặc trị hữu hiệu giúp phục hồi danh dự cho lý tính và đưa chúng ta trở về đúng với chức năng cổ điển của triết học: tạo ra trong tâm hồn mỗi con người lòng yêu mến sự khôn ngoan, thái độ kính trọng đối với chân lý, một điều đã bị các triết gia hậu hiện đại vứt vào sọt rác của lịch sử, và một nghệ thuật sống và chết tương xứng với trí tuệ của con người.

THÔNG TIN VỀ DIỄN GIẢ:

Tiến sĩ Dương Ngọc Dũng tốt nghiệp Thạc sĩ khoa Đông Á học tại Đại học Harvard (Mỹ) năm 1995, tốt nghiệp Tiến sĩ khoa Tôn giáo học tại Đại học Boston (Mỹ) năm 2001, tốt nghiệp MBA của United Business Institute (Bỉ) năm 2007.

Ngoài ra, ông từng giữ những vị trí quản lý cao cấp, đào tạo và tư vấn cho những tổ chức lớn như Samsung, LG Vina, Tổng lãnh sự Mỹ, Úc, New Zealand, Bộ Kế hoạch & Đầu Tư, Bộ Tài chính, Đài truyền hình Việt Nam, Tổng lãnh sự Singapore.

Hiện nay, ông đảm nhiệm chức Giám Đốc chương trình Triết học tại Đại học Hoa Sen.

HƯỚNG DẪN THAM DỰ:

- Chương trình miễn phí cho khách của Cà phê Thứ Bảy. Các anh chị và các bạn tham dự vui lòng thanh toán đồ uống theo menu của quán và lấy chỗ ngồi theo ưu tiên người tới trước.

- Văn hoá của Cà phê thứ Bảy là đối thoại trên tinh thần thân mật, cởi mở và tôn trọng sự khác biệt. Chúng tôi khuyến khích Anh/Chị và các bạn chia sẻ các góc nhìn riêng, đưa ra ý kiến phản biện nếu không đồng tình với quan điểm của diễn giả (hoặc của người tham gia chương trình), nhưng luôn phải giữ tinh thần tôn trọng, không xúc phạm cá nhân.

- Đây là chương trình nằm trong chuỗi hoạt động của Cà Phê Thứ Bảy, một dự án do nhạc sĩ Dương Thụ sáng lập và điều hành, phối hợp cùng với Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên Legend trên tinh thần phi lợi nhuận.

zalo